Kinh thành Huế

Kinh thành Huế

1/ Vị trí: Kinh thành Huế nằm ở bờ bắc sông Hương và thuộc địa phận Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2/ Đặc điểm: Kinh thành Huế được xây theo kiến trúc của phương Tây, kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách của phương Đông. Trong gần 4 thế kỷ, Huế đã trở thành một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh vĩ đại, tổng thể di tích này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam, hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ).

Kinh thành Huế do vua Gia Long xây dựng từ năm 1805 và sau này được vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thành vào năm 1832. Tại đó các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng khá nhiều thành quách, cung điện và các công trình của hoàng gia. Trải qua gần 200 năm, kinh thành hiện nay còn hầu như nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ.

Kinh thành hình vuông với chu vi 10km, cao 6,6m, dày 21m, gồm có 10 cửa để ra vào. Xung quanh và ngay trên thành có thiết lập 24 pháo đài để phòng thủ. Ngoài ra còn có một cửa phụ thông với Trấn Bình Đài gọi là Thái Bình Môn.

Hoàng Thành (Đại Nội): Là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế, nơi ở của vua và Hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình. Ngoài ra Hoàng thành Huế còn là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn. Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất. Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt, trong đó cửa chính (ở phía Nam) là Ngọ Môn. Bên trong Hoàng thành có Điện Thái Hòa là nơi thiết triều, khu vực các miếu thờ, Tử Cấm Thành là nơi ăn ở, sinh hoạt của vua và hoàng gia.

Tử Cấm Thành: Là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Tử Cấm thành nguyên gọi là Cung Thành, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi tên thành Tử Cấm Thành.

Thành có hình chữ nhật, cạnh nam và bắc dài 341m, cạnh đông và tây dài 308m, chu vi 1298m. Ở mặt trước, phía nam là cửa chính là Đại Cung Môn. Mặt bắc có 2 cửa Tường Loan và Nghi Phụng, thời Bảo Đại, sau khi xây lầu Ngự Tiền Văn phòng mở thêm cửa Văn phòng. Mặt đông có hai cửa Hưng Khánh và Đông An, về sau lấp cửa Đông An, mở thêm cửa Duyệt Thị ở phía đông Duyệt Thị Đường. Mặt tây có 2 cửa: Gia Tường và Tây An. Bên trong Tử Cấm thành bao gồm hàng chục công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau, được phân chia làm nhiều khu vực: Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày), Càn Thành (nơi vua ở), Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi), Duyệt Thị Đường (nhà hát), Thượng Thiên (nơi nấu ăn cho vua), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách)…

 

 

dotrongxuan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *