QUỐC HIỆU

QUỐC HIỆU

Từ đầu thời đại đồng thau, các bộ lạc người Việt đã định cư ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt sống chủ yếu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hàng chục bộ lạc Âu Việt sống chủ yếu ở miền Việt Bắc. Tại nhiều nơi, người Lạc Việt và Âu Việt sống xen kẽ với nhau, bên cạnh các thành phần dân cư khác.

Do nhu cầu trị thủy, nhu cầu chống ngoại xâm và do việc trao đổi kinh tế, văn hóa ngày càng gia tăng, các bộ lạc sinh sống gần gũi nhau, có xu hướng tập hợp và thống nhất lại. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc này là người đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt dựng lên nhà nước.

1/ Văn Lang (2879 – 258 TCN): được coi là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Quốc gia này có kinh đô đặt ở Phong Châu nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Lãnh thổ bao gồm khu vực đồng bằng sông Hồng và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia này tồn tại cho đến năm 258 TCN.

2/ Âu Lạc (257 – 207 TCN):

Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng cho quân xâm lược đất của toàn bộ các nhóm người Việt. Thục Phán – thủ lĩnh liên minh các bộ lạc Lạc Việt – được tôn làm người lãnh đạo cuộc chiến chống Tần. Năm 208 TCN, quân Tần phải rút lui. Với uy thế của mình, Thục Phán xưng vương (An Dương Vương), liên kết các bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt lại, dựng nên nước Âu Lạc.

Khoảng cuối thế kỷ III TCN, đầu thế kỷ II TCN (năm 208 TCN hoặc 179 TCN, Triệu Đà (Quận úy Nam Hải – nhà Tần) tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ.

3/ Lĩnh Nam (40 – 43):

Năm 40, Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nhà Hán. Sử cũ ghi chép hai bà đã lấy được 65 thành trì của nhà Hán tại các quận Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Hợp Phố, Nam Hải,… Hai bà xưng vương, với câu hịch nối lại nghiệp xưa vua Hùng, lập tên nước là Lĩnh Nam, đóng đô tại Mê Linh, ngày nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội. Trưng Trắc được bầu làm vua (Đế) của Lĩnh Nam, Trưng Nhị được bầu làm vương của Giao Chỉ, 6 quận của Lĩnh Nam là: Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Tượng Quận, Nam Hải và Quế Lâm mỗi quận có 1 vương gia. Năm 43, khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị đàn áp, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc lần II.

4/ Vạn Xuân (544 – 602):

Mùa xuân năm 542, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương, giải phóng lãnh thổ. Tháng 2 năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân, khẳng định niềm từ tôn dân tộc, tnh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.

Chính quyền Lý Bí tồn tại không lâu rồi lại rơi vào vòng đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc (từ năm 602).

5/ Đại Cồ Việt (968 – 1054):

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân cát cứ, thống nhất quốc gia, lên ngôi hoàng đế và cho đổi quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt lớn). Quốc hiệu này duy trì từ thời nhà Đinh (968 – 979), Tiền Lê (980 – 1009) cho đến đầu thời nhà Lý (1010 – 1053).

6/ Đại Việt (1054 – 1804):

Năm 1054, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt, nhà Lý liền cho đổi tên nước là Đại Việt và quốc hiệu Đại Việt được giữ nguyên đến hết thời Trần (năm 1400).

Sau 10 năm kháng chiến (1418 – 1427), cuộc khởi nghĩa chống Minh của Lê Lợi toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đặt tên nước là Đại Việt (lãnh thổ nước ta lúc này về phía Nam đã tới Huế).

Quốc hiệu Đại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê (1428 – 1787) và thời Tây Sơn (1788 – 1802).

7/ Đại Ngu (1400 – 1407):  

Tháng 3 năm 1400, Hồ Quý Ly phế Trần Thiếu Đế, lập ra nhà Hồ và cho đổi tên nước thành Đại Ngu (“ngu” có nghĩa là “sự yên vui”). Quốc hiệu đó tồn tại đến khi giặc Minh đánh bại triều Hồ (tháng 4/1407).

8/ Việt Nam (1804 – 1884)

Năm 1802, Nguyễn Ánh đăng quang, mở đầu thời Nguyễn và cho đổi tên nước là Việt Nam. Quốc hiệu Việt Nam được công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao để trở thành chính thức vào năm 1804.

9/ Đại Nam (1838 – 1945):

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý 1 nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên, nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới là Đại Nam (hay Đại Việt Nam) vào ngày 15/2/1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.

10/ Đế quốc Việt Nam (1945):

Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các hiệp ước với Pháp và thành lập chính phủ vào ngày 17/4/1945, đứng đầu là nhà học giả Trần Trọng Kim, với quốc hiệu Đế quốc Việt Nam. Trong thực tế, Đế quốc Nhật Bản vẫn cai trị Việt Nam. Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Nam Kỳ mới được trao trả ngày 14/8/1945, nhưng 10 ngày sau đó Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố trao lại chủ quyền Việt Nam cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

11/ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945 – 1976)

Là tên gọi của cả nước Việt Nam từ 1945 – 1954 và miền Bắc Việt Nam từ 1954 – 1976. Nhà nước này được thành lập vào ngày 2/9/1945 (Ngày Quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Năm 1946, Việt Nam Dân chủ cộng hòa tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước để chính thức thành lập Quốc hội và Chính phủ khóa I.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối đầu với thực dân Pháp và Quốc gia Việt Nam được lập ra dưới cái ô của Pháp năm 1949. Trong thời kỳ 1954 – 1975, chính thể này tiếp tục phải đối đầu với Việt Nam cộng hòa được Hoa Kỳ thành lập tại miền Nam Việt Nam. Tới năm 1976, chính thể này cùng với chính thể Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức Tổng tuyển cử để thống nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

12/ Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955)

Là danh xưng của 1 phần vùng lãnh thổ Việt Nam thuộc quyền kiểm soát của quân Pháp (mặc dù tuyên bố đại diện cho cả nước), ra đời chính thức từ Hiệp ước Elysee ký ngày 8/3/1949, giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. Thực tế, chính quyền Quốc gia Việt Nam vẫn thuộc khối Liên hiệp Pháp, đối kháng và tồn tại trên cùng lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc gia Việt Nam chưa từng tổ chức được Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm năm 1946. Nó bị coi là một chính phủ bù nhìn của thực dân Pháp.

Danh xưng Quốc gia Việt Nam tồn tại trong 6 năm (1949 – 1955). Năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, giải tán Quốc gia Việt Nam, thành lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

13/ Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975)

Là tên gọi của một chính thể được Hoa Kỳ hỗ trợ thành lập tại miền Nam Việt Nam, kế thừa Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955). Trong cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ở miền Nam Việt Nam, chính thể này tồn tại song song với chính thể Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính quyền này sụp đổ vào năm 1975 sau khi đầu hàng Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó, Cộng hòa miền Nam Việt Nam có tuyên bố kế thừa các nghĩa vụ, tài, quyền và các lợi ích của Việt Nam cộng hòa.

14/ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 – 1976)

Là 1 chính thể cũng ở miền Nam Việt Nam, tồn tại từ năm 1969 – 1976, tên đầy đủ là “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Chính thể này được thành lập dựa trên cơ sở là những cán bộ Việt Minh được giữ lại miền Nam để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử thống đất nước dự kiến được tổ chức năm 1957 (theo Hiệp định Geneve 1954 thì chỉ tập kết quân sự, các thành phần chính trị ở nguyên tại chỗ để chuẩn bị tổng tuyển cử thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc). Cộng hòa miền Nam Việt Nam có mục tiêu chống Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đế thống nhất đất nước. Sau cuộc Tổng tuyển cử 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

15/ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976 – nay)

Sau khi cuộc Tổng tuyển cử 1976 do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tổ chức để thống nhất đất nước về mặt chính trị, ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI quyết định thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hiệu này được sử dụng từ đó đến nay.

dotrongxuan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *