Thời Lê Trung Hưng ( 1533 – 1789)

Thời Lê Trung Hưng ( 1533 – 1789)

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, thành lập nhà Mạc (Bắc triều). Năm 1533, Nguyễn Kim không phục nhà Mạc nên đã bỏ vào Thanh Hoá, đón Lê Duy Ninh về lập làm hoàng đế, tức Lê Trang Tông (Nam Triều). Cuộc chiến của Nam-Bắc triều kéo dài đến năm 1592 thì Trịnh Tùng đã chiếm được Thăng Long, kết thúc thời kỳ Nam – Bắc triều.

Nam triều

1/ Lê Trang Tông (1533 – 1548) : năm 1533, cựu thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Kim không phục nhà Mạc nên đã vào Thanh Hóa thành lập lực lượng rồi đón Lê Duy Ninh về lập làm hoàng đế, tức Lê Trang Tông, phục hưng nhà Lê.

Dưới thời trị vì của vua Lê Trang Tông, chiến tranh Nam – Bắc triều (1545 – 1592) bắt đầu nổ ra. Sau khi Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm tiếp tục nắm giữ binh quyền. Cũng từ đây, họ Trịnh thế tập nắm giữ binh quyền, mở đầu thời kì vua Lê – chúa Trịnh sau này.

Ngày 29/1/1548, vua Lê Trang Tông qua đời, thọ 34 tuổi, ở ngôi 16 năm.

2/ Lê Trung Tông (1548 – 1556) : năm 1548 vua Trang Tông mất, con là Lê Duy Huyên lên nối ngôi, tức Lê Trung Tông. Ngay từ nhỏ, ông được đánh giá là người có tính tình khoan rộng, thông suốt, có mưu lược đế vương.

Năm 1556, ông mất, mới 21 tuổi. Ông không có con, sau khi chết được táng ở Diên lăng, thuộc Lam Sơn, tình Thanh Hóa. Ở ngôi 8 năm, hiệu là Thuận Bình (1549 – 1556).

3/ Lê Anh Tông (1556 – 1573): năm 1556, vua Trung Tông mất mà không có con nối dõi nên phụ chính Trịnh Kiểm chọn Lê Duy Bang lên ngôi, tức Lê Anh Tông. Lúc này quyền lực nhà họ Trịnh đang rất lớn, vua Anh Tông đã nhìn thấy được cái họa của quyền thần nên âm thầm loại bỏ nhưng kế hoạch không thành.

4/ Lê Thế Tông (1573 – 1599) : khi kế hoạch loại bỏ quyền lực của nhà họ Trịnh bị thất bại vua Lê Anh Tông phải bỏ trốn và sau đó bị sát hại. Trịnh Tùng đưa người con nhỏ của Anh Tông là Lê Duy Đàm lên ngôi, tức Lê Thế Tông. Lúc này Trịnh Tùng đã đánh bại được nhà họ Mạc (Bắc triều) nên quyền lực thực sự nằm trong tay họ Trịnh, vua chỉ là bù nhìn bắt đầu thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh hy hữu trong lịch sử Việt Nam và cũng mở đầu thời kỳ đất nước bị phân liệt một cách sâu sắc nhất thành Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Nhà Hậu Lê – Lê Trung Hưng (1593 – 1778) / Đàng ngoài – Đàng trong

Năm 1545, sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết, quyền lực rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Để giữ vững binh quyền của mình Trịnh Kiểm đã ra tay loại bỏ anh em vợ. Em vợ của Trịnh Kiểm là Nguyễn Hoàng sợ bị sát hại nên đã xin vào Nam trấn thủ Thuận Hóa (từ Quãng Trị đến Thừa Thiên-Huế ngày nay). Năm 1592, sau khi Trịnh Tùng là con của Trịnh Kiểm lật đổ được nhà Mạc, quyền hành tập trung trong tay nhà họ Trịnh. Lúc này Trịnh Tùng mới bắt đầu “nghĩ” đến người cậu trong Nam là Nguyễn Hoàng. Năm 1627, Trịnh Tráng đem quân vào Nam đánh Nguyễn Phúc Nguyên chính thức mở đầu cho cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn. Sau thời gian dài giằng co, đến năm 1672 hai bên tạm thời ngừng chiếm và lấy sông Gianh làm giới tuyến. Trên danh nghĩa vua Lê vẫn là người đứng đầu đất nước.

Lê Trung Hưng

5/ Lê Kính Tông (1599 – 1619) : năm 1599, Lê Thế Tông mất, con thứ là Lê Duy Tân lên thay, tức Lê Kính Tông.

Năm 1619, vua Kính Tông hợp mưu cùng Trịnh Xuân là con của Trịnh Tùng giết chết Trịnh Tùng để giành lại quyền lực. Kế hoạch không thành, vua bị ép thắt cổ chết.

6/ Lê Thần Tông (1619 – 1643 và 1649 – 1662) : Con trưởng là Lê Duy Kỳ lên ngôi, tức Lê Thần Tông. Ông là vị vua đặc biệt trong lịch sử Việt Nam vì làm vua đến 2 lần và giống như vua Trần Minh Tông, vua Lê Thần Tông có 4 người con đều làm vua. Năm 1643 ông nhường ngôi cho con trưởng là Lê Duy Hựu, tức Lê Chân Tông, còn ông làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1649, Lê Chân Tông mất, ông lại trở về làm vua đến năm 1662 thì mất.

7/ Lê Chân Tông (1643 – 1649) : năm 1643, vua Thần Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu, tức Lê Chân Tông. Năm 1649, sau khi làm vua được 7 năm, vua Lê Chân Tông qua đời, không có con nối dõi. Vua cha là Lê Thần Tông lại ra làm vua lần thứ hai (1649 – 1662).

8/ Lê Huyền Tông (1663 – 1671) : năm 1662, vua Thần Tông yểu mệnh qua đời, con là Lê Duy Vũ lên nối ngôi, tức Lê Huyền Tông.

Năm Ất Tỵ (1665), mặc dù mới 11 tuổi, nhà vua cũng sách lập chính cung Trịnh Thị Ngọc Áng làm hoàng hậu. Trịnh Thị Ngọc Áng là con thứ của Tây vương Trịnh Tạc. Khi vua lên ngôi đón vào trong cung, lấy làm Hoàng hậu.
 
Bấy giờ ở bên Trung Quốc, nhà Minh đã mất, nhà Thanh lên, tháng 3 năm Ðinh Mùi (1667) nhà Thanh sai sứ sang phong cho vua làm An Nam quốc vương. Vua Lê sai chánh sứ Lê Hiệu, phó sứ Dương Hạo và Ðồng Tồn Trạch sang nhà Thanh  nộp lễ cống hàng năm và tạ ơn việc tặng bạc lụa. Ðây là lần đầu tiên nước ta có quan hệ ngoại giao với triều Thanh.
Ở ngôi được 9 năm, ngày 15 tháng10 năm Tân Hợi (1671) vua băng hà, lúc này mới có 18 tuổi, không có con nối.

9/ Lê Gia Tông (1672 – 1675) : năm 1671 vua Huyền Tông yểu mệnh qua đời lúc 18 tuổi nhưng không có con nối ngôi nên người em của vua Huyền Tông là Lê Duy Cối lên thay, tức Lê Gia Tông.

Vua Lê Gia Tông có diện mạo khôi ngô, thân hình vạm vỡ, được đánh giá là người có tính khoan hòa, là một vị vua có độ lượng. Ông trị vì 4 năm, mất ở tuổi 15 mà không có con nối dõi.

10/ Lê Hy Tông (1675 – 1705) : năm 1675 vua Gia Tông yểu mệnh qua đời lúc 15 tuổi. Vì vua không có con nối dõi nên Trịnh Tạc bèn lập em vua là Lê Duy Hiệp lên ngôi, tức Lê Hy Tông. Thời kì Lê Hy Tông được coi là thời kỳ thịnh trị nhất thời Lê Trung Hưng.

Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao vì chiến tranh Trịnh – Nguyễn tạm dừng. Trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, Trung Quốc thì trả lại đất. Nhà vua giũ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị lúc bấy giờ người phải kể đến công lao giúp chính của chúa Trịnh Cương. Trịnh Cương cùng với các bồi tụng và tham tụng: Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Cơ đều là người giúp việc rất đắc lực và liêm khiết, họ chủ trương cải cách trên nhiều lĩnh vực kinh tế-tài chính, thi cử, tổ chức hành chính, và quan lại… Nhưng các cải cách đó chưa thu được kết quả thì Trịnh Cương qua đời. Ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1729) nhà vua nhường ngôi cho Thái tử Duy Phương rồi ra ở cung Kiền Thọ, xưng là Thuận Thiên thừa vận Hoàng thượng, khi đó vua 49 tuổi. Như vậy vua Lê Dụ Tông làm vua được 24 năm, đặt niên hiệu hai lần: Vĩnh Thịnh (1705-1719) và Bảo Thái (1720-1729). Tháng Giêng năm Tân Hợi (1731) Thái thượng hoàng mất, thọ 52 tuổi.

11/ Lê Dụ Tông (1705 – 1729) : năm 1705, vua Hy Tông nhường ngôi cho con là thái tử Lê Duy Đường, tức Lê Dụ Tông, còn mình lên làm Thái Thượng hoàng.

12/ Lê Duy Phường (1729 – 1732) : năm 1729, vua Dụ Tông bị Trịnh Cương ép nhường ngôi cho con là Thái tử Lê Duy Phường.

13/ Lê Thuần Tông (1732 – 1735) : năm 1732 Trịnh Giang phế bỏ Lê Duy Phường xuống làm Hôn Đức Công, lập anh của Duy Phường là Lê Duy Tường lên ngôi, tức Lê Thuần Tông.

14/ Lê Ý Tông (1735 – 1740) : năm 1735 Lê Thuần Tông mất, Trịnh Giang lại lập em của Thuần Tông là Lê Duy Thận lên ngôi, tức Lê Ý Tông.

15/ Lê Hiển Tông (1740 – 1786) : năm 1740, Trịnh Doanh ép vua Ý Tông nhường ngôi cho con trưởng của vua Thuần Tông là Lê Duy Diêu, tức Lê Hiển Tông.

16/ Lê Mẫn Đế (1787 – 1788) : năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đánh đổ Trịnh Khải, lúc này thực quyền nằm trong tay Nguyễn Huệ. Năm 1787 vua Hiển Tông mất, Nguyễn Huệ với sự góp ý của vợ là Ngọc Hân công chúa đã lập Lê Duy Kỳ lên làm vua, tức Lê Mẫn Đế hay Lê Chiêu Thống. Đây cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lê và cũng là vị vua bị chỉ trích rất dữ dội vì đã từng qua cầu viện quân nhà Thanh về đánh quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Hành vi này bị xem là “cõng rắn cắn gà nhà” của Chiêu Thống.

dotrongxuan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *