Vịnh Hạ Long
Vị trí: Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần bờ tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía Tây Nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía Tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120km, được giới hạn trong các tọa độ từ 1060 58′ – 1070 22′ kinh độ Đông và 200 45′ – 200 50′ vĩ độ Bắc, với tổng diện tích 1553km2. gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên.
Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Hàng ngàn đảo đá ở đây với muôn hình, dáng vẻ khác nhau như những viên ngọc bích long lanh được đính lên chiếc khăn voan xanh biếc của nàng thiếu nữ. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cách ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long.
Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung…Đó thực sự là những lâu đài của tạo hóa giữa chốn trần gian.
Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn – nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ XII, có núi Bài Thơ lịch sử, cách đó không xa là dòng sông Bạch Đằng – là chứng tích của hai trận thủy chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hóa Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng…
Với những giá trị đặc biệt như vậy, năm 2000, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần hai Di sản thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Điều đó khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của vịnh Hạ Long.