LỄ HỘI VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN

1/ Giới thiệu chung về lễ hội truyền thống

Hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về văn hoá đặc thù của dân tộc đã được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ.

Sự hình thành và ý nghĩa của lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” – những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc… Lễ hội là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc.

Lễ hội là dịp con người được trở về nguồn, nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người.

Lễ hội thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương hay rộng hơn là quốc gia dân tộc. Họ thờ chung vị thần, có chung mục tiêu đoàn kết để vượt qua gian khó, giành cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí…

Lễ hội là dịp con người được giải toả, dãi bày phiền muộn, lo âu với thần linh, mong được thần giúp đỡ, chở che đặng vượt qua những thử thách đến với ngày mai tươi sáng hơn.

Quy trình của lễ hội

Thông thường địa phương nào mở hội cũng đều tiến hành theo ba bước sau:

Chuẩn bị: Chuẩn bị lễ hội được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị cho mùa lễ hội sau và khi ngày hội đã đến gần. Chuẩn bị cho mùa lễ hội sau được tiến hành ngay sau khi mùa hội trước kết thúc, mọi khâu chuẩn bị đã có sự phân công, cắt cử mọi việc để đón mùa lễ hội năm sau. Khi ngày hội sắp diễn ra, công việc kiểm tra lại đồ tế lễ, trang phục, quét dọn, mở cửa di tích, rước nước làm lễ tắm tượng (mộc dục) cùng các đồ tế tự, thay trang phục mũ cho thần…

Vào hội:nhiều hoạt động diễn ra trong các ngày lễ hội, đó là các nghi thức tế lễ, lễ rước, dâng hương, tổ chức các trò vui. Đây là toàn bộ những hoạt động chính có ý nghĩa nhất của một lễ hội. Lễ hội thu hút nhiều đối tượng hay ít khách đến với lễ hội, diễn ra trong nhiều ngày hay một ngày hoàn toàn chi phối bởi các hoạt động trong những ngày này.

Kết thúc hội (xuất tịch, giã đám, giã hội): Ban tổ chức làm lễ tạ, đóng cửa di tích.

Thời gian mở hội

Lễ hội ở Việt Nam được tổ chức nhiều nhất vào ba tháng mùa xuân và mùa thu. Hai khoảng thời gian trên là lúc người dân nhàn rỗi. Mùa xuân tiết trời ấm áp, mùa thu tiết trời mát mẻ, đều thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội. Hai yếu tố cơ bản tạo nên sự thoải mái, vui vẻ cho người đi dự hội.

2/ Các nghi lễ trong lễ hội

Lễ hội là một sự kiện thực hiện rất nhiều nghi thức mang tính bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội. Thông thường một lễ hội có các nghi lễ: lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ tế khai hội và tế giã đám.

Lễ mộc dục (lễ tắm tượng thần hay thần vị): lễ này thường được tiến hành vào nửa đêm hôm trước ngày khai hội. Trước khi làm lễ mộc dục, có nơi người ta tổ chức lễ rước nước. Trước khi thực hiện việc tắm tượng (lau chùi tượng thờ) phải làm lễ cáo thần. Sau lễ mộc dục là tế gia quan (mặc áo, đội mũ cho tượng thần). Nếu thần không có tượng mà chỉ có bài vị (thần vị) thì áo mũ đặt lên ngai. Sau đó tượng thần (hay thần vị, hoặc có khi chỉ là áo mũ) đặt lên kiệu, chuẩn bị cho đám rước thần sáng ngày khai hội.

Lễ rước: trong một lễ hội thường có rước thần, rước thành hoàng, rước văn hay rước nướcLễ rước thần hay rước thành hoàng thường cử hành trước khi vào lễ khai hội và kết thúc hội. Nội dung, ý nghĩa của lễ rước ở mỗi lễ hội đều có sự khác biệt về đối tượng rước, cách thức tiến hành, trình tự đoàn rước, thành phần người tham gia… Trong số các lễ rước thì rước thần và rước nước phổ biến hơn cả.

Lễ hội thường tôn vinh đối tượng thiêng, đó là “Thánh”, “Thần”, nhưng thánh và thần thường được thờ ở đền, miếu. Đa số lễ hội thường được tổ chức ở đình làng, đền, nơi rộng rãi tiện cho việc hành lễ và tổ chức các trò chơi. Do vậy trước khi khai hội, người ta thường tổ chức cuộc rước thần đi theo lộ trình từ đền hoặc đình về nơi hành lễ, xong hội lại rước thần trở lại nơi thờ cũ. Sau lễ rước sẽ là lễ tế thần và khai hội. Đặc biệt có nơi, trong dịp lễ hội ngày nào cũng có rước, lễ rước này không phải rước thần mà là rước sớ (rước văn), tức bài văn cúng thần. Mỗi ngày người ta cúng thần bằng một bài sớ riêng. Trong đám rước văn, bài sớ cũng được đặt lên kiệu rước, gọi là kiệu văn.   

Lễ rước trong các lễ hội truyền thống thường quy định người trực tiếp tham gia rước phải là nam giới tuổi từ 18 trở lên, không có phụ nữ, trừ một vài lễ hội thờ nữ thần (như lễ hội Phủ Dày, lễ hội Hạ Lôi) đoàn rước lại chủ yếu do nữ đảm nhiệm.

Người tham gia rước (gọi là giai đô), là những người được dân làng lựa chọn, cắt cử. Họ là những chàng trai khoẻ mạnh, có tài có đức, không có điều tiếng đáng chê trách trong làng xóm. Ai được chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình.

Đám rước khi đi đường có biểu tượng riêng để tránh sự trùng lặp giữa các nhóm cộng đồng. Trước khi khởi hành, chiêng, trống nổi lên từ trong đền, đình (trước đây đốt pháo). Thường từ nửa đêm, tiếng trống đã gióng liên hồi để mọi người đều biết, ai có phận sự phải lo sửa soạn trước. Ngày xưa thường đốt pháo lệnh trước khi đám rước bắt đầu.

Ngày giã đám (xuất tịch) thường có một buổi đại tế cuối cùng gọi là tế giã đám. Nghi thức này cũng thực hiệnvới đầy đủ các bước theo quy định.