Dân tộc Bố Y

Dân tộc Bố Y

Tên dân tộc: Bố Y (Chủng Chá, Trọng Gia, Tu Dí, Tu Dìn, Pu Nà). Dân số: 3.232 người (tính đến năm 2019). Cư trú tại: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.

Phong tục tập quán: Tôn giáo chính là thờ tổ tiên. Nhà ở thường là nền đất, có một sàn gác trên lưng quá giang – là nơi để lương thực và là chỗ ngủ của những người con trai chưa vợ. Lễ cưới của người Bố Y khá phức tạp, tốn kém. Trong lễ đón dâu thường nhà trai chỉ có khoảng 8 đến 10 người, trong đó phải có 1 đến 2 đôi còn son trẻ, 2 đôi đã có vợ có chồng. Nét độc đáo của người Bố Y là chàng rể không đi đón dâu, cô em gái của chàng rể dắt con ngựa hồng đẹp mã để chị dâu cưỡi lúc về nhà chồng. Nhà gái cũng cử ra một đoàn, thành phần như nhà trai. Khi về nhà chồng, cô dâu mang theo một chiếc kéo và một con gà mái nhỏ, đi đến giữa đường thì thả gà vào rừng.

Khi bố mẹ chết, con cái phải kiêng kỵ nghiêm ngặt trong 90 ngày đối với tang mẹ và 120 ngày đối với tang cha.

– Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái.

– Lịch sử: Người Bố Y trước kia từng là người Tráng (hay còn gọi là người Choang) của vùng bình nguyên Quý Châu. Họ là một trong số các dân tộc cổ đại nhất tại Trung Quốc, sinh sống trong khu vực này đã trên 2.000 năm. Cho tới khi nhà Đường thành lập, người Bố Y và người Tráng có liên hệ chặt chẽ với nhau; nhưng các khác biệt giữa hai nhóm sắc tộc ngày càng trở lên nhiều hơn và từ khoảng năm 900 trở đi thì họ đã thực sự là 2 dân tộc khác biệt.

Nhà Thanh đã hủy bỏ hệ thống các thủ lĩnh địa phương và giao nhiệm vụ cai trị cho các quan chức triều đình tại địa phương kiêm quản cả quân đội. Việc này đã tạo ra sự thay đổi trong kinh tế khu vực; và từ đó trở đi, đất đai nằm trong tay của một số ít chủ đất và điều đó đã gây ra sự nổi dậy của dân chúng. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Lãng năm 1797, người Bố Y bị đàn áp nặng nề và nhiều người phải di cư sang Việt Nam.

– Văn hoá: Vốn văn nghệ dân gian như truyện cổ, tục ngữ, dân ca khá phong phú.

– Trang phục: Nữ mặc váy xèo, áo năm thân và có xiêm che ngực. Một số mặc giống người Nùng, số khác mặc giống người Hán. Nam giới thường mặc áo cổ viền, loại áo cánh ngắn, tứ thân; quần lá tọa màu chàm bằng vải tự dệt.

– Kinh tế: Người Bố Y sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Trước đây, người Bố Y thường làm mộc, rèn, gốm, đục đá và chạm bạc. Phụ nữ biết trồng bông, kéo sợi, dệt vải, may thêu quần áo, túi khăn.

 

dotrongxuan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *