DÂN CƯ
Cộng đồng người Việt Nam có 54 thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm gần 90% tổng dân số cả nước, hơn 10% còn lại là dân số của 53 dân tộc. Trải qua bao thế kỉ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã gắn bó với nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, giành tự do, độc lập và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc hầu như có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa riêng. Bản sắc văn hóa của các dân tộc thể hiện rất rõ nét trong các dinh hoạt cộng đồng và trong các hoạt động kinh tế. Từ trang phục, ăn, ở, quan hệ xã hội, các phong tục tập quán trong cưới xin, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, văn nghệ, vui chơi của mỗi dân tộc lại mang những nét chung. Đó là đức tính cần cù, chịu khó, thông minh trong sản xuất; với thiên nhiên – gắn bó hòa đồng; với kẻ thù – không khoan nhượng; với con người – nhân hậu vị tha, khiêm nhường…Tất cả những đặc tính đó là phẩm chất của con người Việt Nam.
54 dân tộc sống trên đất Việt Nam có thể chia thành 8 nhóm theo ngôn ngữ như sau:
– Nhóm Việt – Mường có 4 dân tộc là: Kinh (Việt), Chứt, Mường, Thổ.
– Nhóm Tày – Thái có 8 dân tộc là: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái.
– Nhóm Môn – Khmer có 21 dân tộc là: Ba Na, Brâu, Bru-Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cờ Tu, Giẻ Triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ Mú, Mạ, Mảng, M’Nông, Ơ Đu, Rơ Măm, Tà Ôi, Xinh Mun, Xơ Đăng, Xtiêng.
– Nhóm Mông – Dao có 3 dân tộc là: Dao, Mông, Pà Thẻn.
– Nhóm Kadai có 4 dân tộc là: Cờ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo.
– Nhóm Nam Đảo có 5 dân tộc là: Chăm, Chu Ru, Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai.
– Nhóm Hán có 3 dân tộc là: Hoa, Ngái, Sán Dìu.
– Nhóm Tạng có 6 dân tộc là: Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La.
Nghiên cứu cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung hay văn hóa các dân tộc nói riêng là những công việc không có giới hạn. Càng nghiên cứu, tìm hiểu ta càng thấy say mê, cuốn hút và ta càng thấy thêm yêu đất nước Việt Nam hơn. Và khai thác những nét đặc sắc của nền văn hóa truyền thống các dân tộc là một tiềm năng to lớn cho sự phát triển của Việt Nam.