Dân tộc Giáy
Tên dân tộc: Giáy (Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ). Dân số: 67.858 người (năm 2019). Ðịa bàn cư trú: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng.
Ngôn ngữ: Ngôn ngữ thuộc nhóm Tày – Thái.
Phong tục tập quán: Thờ tổ tiên, thờ cả bà mụ liên quan đến sinh đẻ và trẻ sơ sinh, thờ thần thổ… Làng người Giáy đông đúc, có khi tới cả trăm nhà. Họ ở nhà sàn hoặc ở nhà trệt. Gian giữa bao giờ cũng để tiếp khách và đặt bàn thờ tổ tiên. Người chồng, người cha có vị thế nổi bật trong gia đình. Con cái lấy họ cha. Nhà trai chủ động việc cưới xin. Phụ nữ Giáy khi mang thai phải kiêng cữ và cúng cầu mong sinh nở yên lành.
Văn hoá: Có vốn truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao… Có nhiều truyện giải thích hiện tượng tự nhiên, có nhiều truyện thơ dài, có truyện kết hợp lời kể với lời hát. Dân ca phong phú, gồm nhiều loại, mỗi loại có nhiều bài, điệu khác nhau, đặc biệt các hình thức hát giao duyên nam nữ là sinh hoạt sôi nổi và hấp dẫn.
Trang phục: Nam mặc quần, áo, vấn khăn. Nữ có áo 5 thân xẻ nách bên phải cài cúc, mặc quần, đầu đội khăn hoặc vấn tóc để trần.
Kinh tế: Làm ruộng nước là chính, rẫy chỉ là nguồn thu nhập thêm và thường cũng là chỗ chăn nuôi. Nuôi nhiều ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu kéo cày, kéo gỗ.