Cuộc chiến chống giặc ngoại xâm

1/ Trận Bạch Đằng (938)

Trận Bạch Đằng (938)

Đầu năm 937, Dương Đình Nghệ bị viên thuộc tướng phản bội là Kiều Công Tiễn ám hại để đoạt chức Tiết độ sứ.

Tháng 10 năm 938, Ngô Quyền từ vùng Châu Ái đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn tự thay thế cô, lực yếu đã cho người chạy sang cầu cứu nhà Nam Hán. Đây là cơ hội rất thuận lợi để nhà Nam Hán thực hiện ý đồ xâm lược nước ta.

– Cuối năm 938, quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy kéo vào vùng biển nước ta. Ngô Quyền cho một toán thuyền nhẹ ra đánh nhử quân địch vào sông Bạch Đằng lúc nước triều đang lên.

– Lưu Hoằng Tháo hăm hở dốc quân đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục của ta mà không biết.

– Nước triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh dốc toàn lực lượng đánh quật trở lại. Quân Nam Hán chống cự không nổi phải rút chạy ra biển.

– Quân giặc thiệt hại quá nửa, tướng giặc Lưu Hoằng Tháo bị chết. Vua Nam Hán được tin bại trận đã hốt hoảng, vội hạ lệnh thu quân về nước.

– Trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi.

2/ Trận Như Nguyệt (1077)

Trận Như Nguyệt là một trận đánh lớn diễn ra ở một khúc sông Như Nguyệt (hay sông Cầu) vào năm 1077, là trận đánh có tính quyết định của cuộc Chiến tranh Tống-Việt, 1075-1077, và là trận đánh cuối cùng của nhà Tống trên đất Đại Việt.

Trận chiến diễn ra trong nhiều tháng, kết thúc bằng chiến thắng của quân đội Đại Việt và thiệt hại nhân mạng lớn của quân Tống, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược Đại Việt của họ, buộc họ phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia.

Nguyên nhân : Sông Như Nguyệt là con sông chặn ngang tất cả các ngả đường bộ từ Quảng Tây vào Thăng Long. Giặc chắc chắn sẽ đi con đường này nên Lý Thường Kiệt đã cho quân xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Diễn biến:

– Quân Tống nhiều lần tấn công quân ta. Chúng bắc cầu phao, đóng bè lớn ào ạt tiến qua sông đánh úp vào phòng tuyến của ta. Quân nhà Lý kịp thời phản công mãnh liệt, mưu trí, đẩy lùi chúng về phía bờ Bắc.

– Quân Tống chuyển sang thế củng cố, phòng ngự. Quân sĩ ngày một mệt mỏi, chán nản, chết dần chết mòn.

– Cuối mùa xuân 1077, Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công lớn vào trận tuyến của địch. Bị đánh úp bất ngờ, quân Tống thua to.

– Giữa lúc ấy, Lý Thường Kiệt chủ động kết thúc chiến tranh bằng biện pháp mềm dẻo, thương lượng, đề nghị “giảng hòa”. Quách Quỳ chấp nhận ngay. Quân Tống vội vã rút về nước.

3/ Trận Đông Bộ Đầu (1258)

Tháng 1/1258, Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy 3 vạn quân Mông Cổ tràn vào nước ta. Giặc theo đi đường sông Thao và tiến xuống Bạch Hạc (Phú Thọ). Sau đó, tiến đến vùng Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc) thì bị chặn lại ở phòng tuyến do vua Trần Thái Tông chỉ huy.

Trước thế giặc mạnh Vua Trần rút lui khỏi thành Thăng Long , rút về Thiên Trường (Hà Nam) và thực hiện kế hoạch “Vườn không nhà trống”.

Giặc vào kinh thành không một bóng người, không có lương thực. Chúng điên cuồng phá hoại kinh thành. Do quân ta chống trả quyết liệt và thiếu lương thực, chưa đầy 1 tháng địch rơi vào tình thế khó khăn, lực lượng bị tiêu hao dần.

Nhà Trần mở cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng, Hà Nội). Ngày 29/1/1258, quân Mông cổ bị đánh tan, phải rút chạy về nước. Cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 1 kết thúc thắng lợi.

4/ Trận Bạch Đằng (1288)

Tháng 1/1288 Thoát Hoan chiếm Thăng Long. Kế hoạch “vườn không nhà trống” của nhà Trần làm quân Nguyên tuyệt vọng….
Nhà Trần mở cuộc phản công ở cả 2 mặt thủy bộ…
Tháng 4/1288 đoàn thuyền của Ô Mã Nhi lọt vào trận địa bãi cọc trên sông Bạch Đằng của quân ta…
Cuộc chiến đấu trên sông Bạch Đằng diễn ra ác liệt. ..Toàn bộ quân giặc bị tiêu diệt. Oâ Mã Nhi bị bắt…
Quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy rút về Trung Quốc bị ta tập kích liên tiếp. Cuộc kháng chiến lần 3 kết thúc thắng lợi.

5/ Trận Chi Lăng – Xương Giang (1427)

 Đầu tháng 10-1427, hơn 10 vạn viện binh từ Trung Quốc chia làm hai đạo kéo vào nước ta.

+ Đạo thứ nhất: do Liễu Thăng chỉ huy, từ Quảng Tây tiến vào theo hướng Lạng Sơn.

+ Đạo thứ hai: do Mộc Thạnh chỉ huy, từ Vân Nam tiến vào theo hướng Hà Giang.

– Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt viện quân giặc, trước hết là đạo quân của Liễu Thăng, không cho chúng tiến sâu vào nội địa nước ta.

– Ngày 8-10, Liễu Thăng hùng hổ dẫn quân ào ạt tiến vào biên giới nước ta, bị nghĩa quân phục kích và giết ở ải Chi Lăng.

– Sau khi Liễu Thăng chết, Phó tổng binh là Lương Minh lên thay, chấn chỉnh đội ngũ, tiến xuống Xương Giang (Bắc Giang). Trên đường tiến quân, quân giặc liên tiếp bị phục kích ở cần Trạm, Phố Cát, bị tiêu diệt đến 3 vạn tên, ông binh Lương Minh bị giết tại trận, Thượng thư bộ Binh Lý Khánh phải thắt cổ tự tử.

– Mấy vạn địch còn lại cố gắng lắm mới tới Xương Giang xong cũng bị tiêu diệt, kể cả tướng giặc là Thôi Tụ, Hoàng Phúc.

6/ Trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1785)

Sau nhiều lần thất bại, Nguyễn Ánh cầu cứu vua Xiêm.

Cuối tháng 7/1784: Quân Xiêm kéo vào Gia Định 

Cuối năm 1784: Quân Xiêm chiếm được miền Tây Gia Định

Tháng 1/1785: Nguyễn Huệ tiến vào Gia Định chọ Rạch Gầm – Xoài Mút làm trận địa quyết chiến

Ngày 19/1/1785: Nguyễn Huệ dùng mưu nhử quân địch vào trận địa. Bị tấn công bất ngờ và mãnh liệt, chiến thuyền của quân Xiêm bị vỡ tan tác và bị đốt cháy. Binh lính Xiêm bị tiêu diệt gần chết. Nguyễn Ánh thoát chết, sang Xiêm sống lưu vong.

7/ Trận Ngọc Hồi – Đống Đa (1789)

+ Lê Chiêu Thống thế cùng lực kiệt, sai người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh là Càn Long muốn nhân cơ hội này thực hiện âm mưu xâm lược nước ta để mở rộng lãnh thổ xuống phía nam

+ Cuối năm 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân chia làm bốn đạo tiến vào xâm lược nước ta.

+ Tháng 12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, chỉ huy 5 đạo quân Tây Sơn, tiến về Thăng Long.

+ 25/1/1789 (đêm 30 Tết, âm lịch), quân Tây Sơn bất ngờ tấn công và tiêu diệt gọn quân Thanh ở đồn tiền tiêu.

+ 28/1/1789 (mùng 3 Tết), quân Tây Sơn bao vây và triệt hạ đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Quân Thanh bị đánh bất ngờ, hoảng sợ, hạ khí giới đầu hàng.

+ 30/1/1789 (rạng sáng mùng 5 Tết), quân Tây Sơn giành thắng lợi quyết định ở đồn Ngọc Hồi và Đống Đa (Hà Nội), quân Thanh đại bại, buộc phải rút về nước.

8/ Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 55 ngày đêm, nhưng các trận đánh không diễn ra liên tục mà được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ ngày 13 đến 17-3-1954, quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi rốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

Giai đoạn 2: Từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm; thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho Tập đoàn cứ điểm.

Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày và đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Giai đoạn 3: Từ ngày 1 đến 7-5-1954, ta đánh dứt điểm dãy đồi phía Đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại, bắt sống Tướng De Castries, kết thúc chiến dịch.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

9/ Trận Điện Biên Phủ trên không (1972)

– Để xoay chuyển tình thế trên chiến trường và trên bàn hội nghị, Mĩ đã tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến ngày 29 – 12 – 1972).

– Với tinh thần bất khuất, quyết đánh quyết thắng, Đảng và nhân dân ta đã đánh trả Mĩ những đòn đích đáng.

Quân ta bắn rơi được 81 máy bay, bắt sống 43 phi công Mĩ, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của chúng, lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

– “Điện Biên Phủ trên không” là trận thắng quyết định của ta, buộc Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranhh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27 – 1 – 1973).

10/ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975)

Mùa Xuân năm 1975, sau khi bị mất toàn bộ quân khu 1 và 2, một nửa binh lực của quân ngụy đã bị tiêu diệt, trong thế tan rã chiến lược hầu như không thể cứu vãn nổi, địch vẫn ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể mặc cả với ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình. Chúng lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa, như tập đoàn phòng ngự Phan Rang, tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc và sau đó là tập đoàn phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ngày 18/4, ta tiến công Phan Rang, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở đây. Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản hết người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ngày 20/4, trước sức tiến công của ta, Sư đoàn 18 ngụy tháo chạy, Xuân Lộc thất thủ. Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Giữa tháng 4, ta quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên “Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa. Tất cả các lực lượng chiến lược được huy động cho chiến dịch này.

Sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị và tập trung một khối lượng rất lớn lực lượng và phương tiện trong thời gian ngắn nhất ở vùng kế cận Sài Gòn, chiều 26/4, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Từ năm hướng các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn.

Từ 26 đến 28/4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều 28/4, các cánh quân ngụy không còn nhận được lệnh từ Tổng hành dinh và các tướng chỉ huy nữa vì họ đã tháo chạy ra nước ngoài.

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Đại tướng Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trước Quân giải phóng.

Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. Sáng 30/4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11h30 ngày 30/4, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 1/5, toàn bộ lực lượng còn lại của quân ngụy tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

dotrongxuan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *